Nhiều ngôi biệt thự cổ được xây dựng trước năm 1954 tại Hà Nội đang cần được thẩm định để trùng tu, tôn tạo. Nhưng không hiểu vì một số lý do gì mà việc này chưa hoàn thành. UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu nhiều sở ban ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thẩm định.
Trong văn bản mới đây nhất vào đầu tháng 9, UBND TP Hà Nội yêu cầu giám đốc các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở VH-TT&DL khẩn trương rà soát, đánh giá, thẩm định danh mục biệt thự xây dựng trước năm 1954. Việc tiến hành thẩm định đánh giá các biệt thự cổ nhằm đưa vào quản lý theo đề án bảo tồn biệt thự cổ ở Hà Nội. Trước mắt, UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở Quy hoạch – Kiến trúc căn cứ các tiêu chí về: giá trị lịch sử, văn hóa, chính trị; nghệ thuật kiến trúc; cảnh quan đô thị; tính nguyên bản; về công năng, sở hữu…
Tính đến thời điểm này, toàn thành phố hiện có khoảng 1.540 biệt thự thuộc nhiều thành phần sở hữu, trong đó có 970 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước. Và theo ông Dương Đức Tuấn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, 1.540 biệt thự này có giá trị kiến trúc Pháp để lại. Sở Quy hoạch – Kiến trúc cũng đã rà soát khoảng 400ha thuộc khu phố cũ (phố Pháp) gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và một phần nhỏ quận Tây Hồ.
Các biệt thự này bao gồm: các biệt thự nằm trong danh mục 970 biệt thự thuộc Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bảo tồn. Các biệt thự này do các cơ quan trung ương, TP Hà Nội và cả tư nhân quản lý, sử dụng.
Sau khi đánh giá, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã phân biệt thự ra 4 loại. Loại 1 là các biệt thự giá trị đặc biệt, quy mô lớn, có vị trí đẹp, sân vườn còn nguyên vẹn, giữ được tính nguyên bản và các đặc trưng về phong cách kiến trúc để ưu tiên bảo tồn. Loại 2 là các biệt thự có giá trị, vị trí đẹp, ít nhiều đã bị biến dạng hoặc hư hại cần được khôi phục, bảo tồn. Loại 3 là các biệt thự có giá trị trung bình, còn giữ được hình dạng ban đầu, nhưng đã bị sửa chữa, lấn chiếm hoặc cải tạo một phần, có thể xem xét một số biệt thự để chỉnh trang, bảo tồn. Loại 4 là các biệt thự đã bị phá bỏ, xây mới, hư hại nghiêm trọng hoặc đã bị biến dạng hoàn toàn về kiến trúc. Như vậy trong số hơn 1.000 biệt thự thì loại 1 có: 228 biệt thự, loại 2: 431 biệt thự, loại 3: 646 biệt thự, loại 4: 235 biệt thự.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, UBND Hà Nội đang giao Sở Xây dựng lập quy chế trình các cấp có thẩm quyền Quy chế quản lý quỹ nhà biệt thự. Sau khi quy chế này được ban hành, sẽ có phương án xử lý với từng loại biệt thự, với các chủ sở hữu khác nhau. Biệt thự nào bán, không bán, loại nào phải bảo tồn tôn tạo phát triển.
Khi xây dựng, các biệt thự này thường có tuổi thọ được bảo hành là 50 năm và mới đây, phía Pháp cũng đã có thông báo khuyến cáo về niên hạn sử dụng các biệt thự nêu trên. Thực chất, theo ông Tuấn, các biệt thự, dinh thự cũ có từ trước năm 1954 là một nét đặc trưng của kiến trúc Hà Nội cổ, nên cần phải bảo vệ tôn tạo và phát huy.
Thêm nữa, nếu có cải tạo và với những biệt thự buộc phải dỡ bỏ vì quá cũ nát, Bộ Xây dựng cũng đã có Thông tư nêu rõ, sau khi đập đi cũng phải xây dựng lại một biệt thự tương tự như cũ. Việc khôi phục biệt thự cổ phải căn cứ từng trường hợp cụ thể, vị trí cụ thể… Tuy nhiên, nếu chưa thể hoàn thành việc rà soát, thẩm định thì chưa thể đưa ra phương án bảo tồn đối với từng công trình biệt thự cụ thể.
Đến thời điểm này, dường như Hà Nội vẫn còn quá chậm trong việc này, và các ngôi biệt thự cũng như hàng vạn người dân đang sống trong đó vẫn đang “trông ngóng” được tu sửa, đảm bảo điều kiện sinh sống và gìn giữ nhà cổ.