Kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ thẩm định giá

Kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ thẩm định giá



I. Sự cần thiết phải kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ thẩm định giá trong hoạt động thẩm định giá.


Cạnh tranh trong nền kinh tế nói chung được hiểu một cách ngắn gọn là việc các chủ thể kinh tế tiến hành đấu tranh hoặc giành giật khách hàng , thị trường hay nguồn lực nhằm mục đích cuối cùng là tối đa hóa lợi ích trong sản xuất kinh doanh , trong tiêu dùng.

Cạnh tranh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ Thẩm định giá cũng không nằm ngoài quy luật đó .Bằng năng lực cạnh tranh được tạo ra từ thực lực của mình , các doanh nghiệp đã sử dụng nhiều công cụ để thực hiện chiến lược cạnh tranh trên thị trường , trong đó nổi bật nhất là cạnh tranh về giá dịch vụ thẩm định giá.( Đó cũng chính là phạm vi mà đề án này đề cập tới).

Cạnh tranh “lành mạnh “ về giá dịch vụ thẩm định giá thông qua các hình thức đấu thầu, đấu giá, chào giá cạnh tranh, thỏa thuận về giá …trong những năm trước đây của các doanh nghiệp thẩm định giá trên thị trường thẩm định gia đã tạo ra khá nhiều lợi ích cho xã hội , cụ thể như:

– Đối với bản thân doanh nghiệp cung ứng dịch vụ: Cạnh tranh đã tạo ra “sức ép” tích cực buộc các doanh nghiệp phải có các biện pháp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực,nâng cao hiệu suất công tác ,áp dụng các phương thức quản trị tiên tiến , giảm chi phí đến mức hợp lý , tạo ra sản phẩm dịch vụ có chất lượng với giá cả phù hợp để tồn tại và phát triển.

– Đối với người sử dụng dịch vụ : Cạnh tranh sẽ tạo ra điều kiện góp phần thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng , được sử dụng một dịch vụ với chất lượng tốt , giá cả cạnh tranh , dịch vụ phục vụ chu đáo, chi phí sử dụng hợp lý.

– Đối với thị trường: Qua quá trình cạnh tranh sẽ sàng lọc , chọn lựa (một cách tự nhiên) được những doanh nghiệp hoạt động tốt ,có uy tín với khách hàng tiếp tục tồn tại , phát triển đáp ứng nhu cầu của xã hội ; loại bỏ được những doanh nghiệp năng lực hoạt động yếu kém , làm ăn có “tính chụp giựt”gây phương hại đến lợi ích của khách hàng …góp phần làm cho thị trường thẩm định giá phát triển lành mạnh ,công khai , minh bạch..

Tuy nhiên ,trên thị trường thẩm định giá ở nước ta thời gian gần đây do thị trường thẩm định giá đã bước đầu phát triển hơn , số lượng doanh nghiệp thẩm định giá được thành lập mới nhiều hơn …. Để giành dật thị trường và khách hàng thẩm định giá , bên cạnh các doanh nghiệp vẫn tổ chức hoạt động có bài bản , nghiêm túc thì đã xuất hiện những doanh nghiệp thực hiện các biện pháp cạnh tranh về giá dịch vụ thẩm định giá “thiếu lành mạnh” thông qua các công cụ như:

– Giảm tới 50% – 60 % mức giá dịch vụ mà doanh nghiệp đã công bố một cách thiếu căn cứ. Chào giá thấp hơn nhiều, thậm chí bằng một nửa mức chào giá của doanh nghiệp khác cùng tham gia cung ứng dịch vụ thẩm định giá của cùng một loại tài sản cho một khách hàng thẩm định giá.

– Chào giá dịch vụ thẩm định giá ở mức thấp đi liền với việc thỏa thuận ngầm về “chiết khấu” “hoa hồng” với người yêu cầu thẩm định giá tài sản ; thậm chí chấp nhận lỗ để được lựa chon cho các nhu cầu thẩm định giá tiếp theo.

– Sẵn sàng chấp nhận điều kiện của khách hàng nhất là khách hàng thẩm định giá tài sản Nhà nước – để thẩm định giá cao cho chủ trương mua sắm và thẩm định giá thấp cho chủ trương bán ,thanh lý tài sản Nhà nước.

– Cung ứng dịch vụ thẩm định giá với mức giá thỏa thuận đi kèm với cung ứng một loại dịch vụ tư vấn khác không thu tiền; tung tin thất thiệt về giá dịch vụ của doanh nghiệp khác, để lôi kéo khách hàng về phía mình.

Tình hình trên đã gây ra các hệ quả xấu như sau:

– Đã xuất hiện tình trạng hoạt động của “thị trường ngầm” về giá dịch vụ thẩm định giá đẩy thị trường này vào tình trạng thiếu công khai minh bạch , tạo sự nghi ngờ cho khách hàng về nghề, về năng lực chuyên môn, về đạo đức nghề nghiệp về chất lượng dịch vụ trong kinh doanh của doanh nghiệp , làm giảm uy tín , thương hiệu của nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt , tuân thủ pháp luật trên thị trường.

– Gây thiệt hại đến chính lợi ích của các doanh nghiệp – không những chỉ thiệt hại về lợi ích kinh tế mà thậm chí cả liên quan đế lĩnh vực hình sự khi thẩm định giá tài sản được mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước. Đồng thời qua đó tạo ra sự phân hóa trong các doanh nghiệp thẩm định giá

– Giá dịch vụ thấp bất hợp lý ( thấp hơn chi phí bỏ ra) đã dẫn đến có tình trạng không thực hiện đầy đủ quy trình thẩm định giá ; hoặc có thực hiện quy trình nhưng quy trình đó không bảo đảm các nguyên tắc : độc lập, khách quan, trung thực … dẫn đến chất lượng dịch vụ thấp , gây thiệt hại đến lợi ích của các thành tố tham gia thì trường.

Vì những tổn hại do cạnh tranh không “lành mạnh “ về giá như trên , nên việc phải kiểm soát hoạt động đó để giảm thiểu những hệ quả xấu , hướng hoạt động cạnh tranh về giá dịch vụ thẩm định giá tuân thủ theo pháp luật là yêu cầu bức thiết hiện nay. 



 
II. Mục tiêu: 



– Hướng hoạt động cạnh tranh về giá vì mục tiêu phát triển vì chính lợi ích của các doanh nghiệp thẩm định giá của khách hàng thẩm định giá tránh lãng phí nguồn lực của xã hội nâng cao chất lượng dịch vụ , nâng cao uy tín nghề nghiệp và thương hiệu của các doanh nghiệp thẩm định giá.

– Góp phần làm cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch , tuân thủ pháp luật về thẩm định giá. 



III. Những căn cứ pháp lý để đưa ra các giải pháp kiểm soát hanh vi cạnh tranh không lành mạnh về giá.



– Căn cứ khoản 3, Điều 10 , Luật giá quy định các hành vi bị cấm trong lĩnh vực giá đối với doanh nghiệp thẩm định giá , chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá,”tranh giành khách hàng dưới hình thức ngăn cản, đe dọa, lôi kéo , mua chuộc ,thông đồng với khách hàng và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác”.

– Căn cứ điểm L,khoản 2 Điều 5, nghị định số …/2013/NĐ-CP ngày .. tháng … năm 2013 của Chính Phủ quy định chi tiết thì hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá đối với thẩm quyền quản lý Nhà nước về thẩm định giá của Bộ Tài chính :

”Tổng kết , đánh giá về hoạt động thẩm định giá ; quy định về kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá và việc chấp hành các quy định của Nhà nước về thẩm định giá”.

– Căn cứ điểm d, khoản 2 , Điều 9 , Nghị định số …./2013/NĐ – CP của Chính Phủ quy định Tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá “phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra , đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá và chấp hành các quy định của Nhà nước về thẩm định giá đối với doanh nghiệp thẩm định giá”



IV. Những giải pháp kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh về giá:



1.Nguyên tắc:

1.1. Bảo đảm thực hiện khoản 1 , Điều 5 Luật giá: “Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường , tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật”.

Thực hiện điểm b, khoản1 , Điêu 42 Luật giá về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá, được “Nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng”

1.2. Bảo đảm để các doanh nghiệp thẩm định giá được thực hiện quyền thỏa thuận về giá dịch vụ thẩm định giá,nhưng phải tuân thủ điều 12 về giá dịch vụ thẩm định giá quy định tại Nghị định số …/2013/N Đ – CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá; cụ thể là:

1.2.1. Đối với việc đấu thầu dịch vụ thẩm định giá thì giá dịch vụ thẩm định giá thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu đối với gói thầu dịch vụ tư vấn.

1.2.2. Giá dịch vụ thẩm định giá thực hiện theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp với khách hàng thẩm định giá và được xác định dựa trên các căn cứ sau:

1.2.2.1. Nội dung ,Khối lượng, tính chất công việc và thời gian thực hiện thẩm định giá.

1.2.2.2. Chi phí kinh doanh thực tế hợp lý tương ứng với chất lượng dịch vụ gồm : Chi phí tiền lương , chi phí phát sinh trong quá trình khảo sát , thu thập , phân tích , xử lý thông tin ; chi phí tài chính( trả lãi vay nếu có), chi phí bán hàng , chi phí quản lý doanh nghiệp và các chi phí thực tế hợp lý khác;

1.2.2.3. Chi phí mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc chi phí trích lập quỹ dự phòng rủi do nghề nghiệp ;

1.2.2.4. Lợi nhuận dự kiến (nếu có) đảm bảo giá dịch vụ thẩm định giá phù hợp với mặt bằng giá dịch vụ thẩm định giá tương tự trên thì trường.

1.2.2.5. Các nghĩa vụ tài chính theo quy định của Pháp luật .

1.2.2.6. Doanh nghiệp ban hành và niêm yết biểu giá dịch vụ theo nguyên tắc tính rên và không được hạ giá dưới mức tối thiểu bao gồm các yếu tố hình thành giá theo quy định tại điểm 1.22.2 + 122.3 nêu trên.



2. Các cơ chế kiểm soát:

2.1 Cơ chế định giá :

Phương án 1: Doanh nghiệp căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh của các năm trước liền kề và căn cứ vào các yếu tố hình thành giá dịch vụ nêu trên , cung – cầu dịch vụ dự kiến, tham khảo mức giá của các doanh nghiệp bạn để xác định giá dịch vụ thẩm định giá cho hoạt động thẩm định giá đối với từng loại hình tài sản:

– Công bố công khai biểu giá dịch vụ của doanh nghiệp mình bằng hình thức thích hợp theo quy định của pháp luật để thỏa thuận với khách hàng.

– Trong trường hợp phải giảm giá dịch vụ hoặc áp dụng giá cạnh tranh thì mức giảm không quá 20% so với mức giá đã công bố để thực hiện đúng các nguyên tắc nêu tại điểm 1.2, khoản 1 mục IV Đề án này.

Phương án này ưu điểm là:

+ Bảo đảm được quyền tự quyết định, quyền thoả thuận về giá của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật .

+ Vừa bảo đảm công khai về giá ( Biều giá do doanh nghiệp công bố), nhưng vẫn bảo đảm được quyền cạnh tranh hợp pháp của doanh nghiệp ; tính bí mật trong cạnh tranh của doanh nghiệp (thỏa thuận giảm giá cụ thể trong mức giảm 20%)

+ Thiết lập được trật tự của thị trường , giúp cơ quan quản lý Nhà nước có điều kiện kiểm soát tình trạng canh tranh có hiệu quả hơn.Không bị coi là liên kết độc quyền về giá . Người có nhu cầu sử dụng dịch vụ sẽ có điều kiện lựa chọn doanh nghiệp có giá hợp lý gắn với chất lượng dịch vụ tốt, không bị “hoang mang” như khi còn hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh về giá.

Phương án 2: Doanh nghiệp công bố biểu giá dịch vụ của doanh nghiệp mình như phương án 1,nhưng không giảm giá , chỉ thực hiện thỏa thuận với khách hàng về các điều kiện khác và chỉ thực hiện cạnh tranh bằng chất lượng , bằng năng lực cạnh tranh ngoài giá.

Phương án này tuy có ưu điểm là: Bảo vệ ,được quyền tối đa về lợi ích của doanh nghiệp ; nhưng không thực sự phù hợp với điều kiện các doanh nghiệp đang thực hiện theo cơ chế giá thị trường trong điều kiện doanh nghiệp được cạnh tranh về giá và người tiêu dùng cũng được quyền cạnh tranh với nhau để lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá .

Từ phân tích hai phương án trên , Đề án lựa chon phương án 1 ( Tuy nhiên với mức giảm giá cạnh tranh 20% hoặc bao nhiêu , cần được các doanh nghiệp tính toán cụ thể).

2.2 Cơ chế công bố giá và kiểm soát.

– Thực hiện đúng thẩm quyền theo quy định của phát luật thì cơ quan quản lý Nhà nước , Tổ chức nghề nghiệp không ban hành Quyết định về cơ chế nêu trên. Biểu giá vẫn do doanh nghiệp quyết định .

Tuy nhiên , cơ quan Hội Thẩm định giá Việt nam sẽ có văn bản khuyến nghị mang tính định hướng để dẫn dắt thị trường.

– Văn bản định hướng đó được coi là một trong những cơ sở để xem sét trong các tiêu chí đánh giá xếp hạng doanh nghiệp thẩm định giá và xem xét hành vi cạnh tranh không lành mạnh về giá; kiểm tra , thanh tra giải quyết các khiếu nại tố cáo về giá.

Nguồn: HỘI THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *