Bộ Xây dựng Việt Nam đã ra văn bản hướng dẫn các thủ tục cần thiết để người mua nhà đặt cọc tiền trước cho chủ đầu tư. Việc này sẽ có lợi cho cả 2 bên, người mua nhà sẽ mua được nhà với giá như mong muốn, chủ đầu tư tránh được những người mua nhà ảo.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, chủ trương này của Bộ Xây dựng nhằm giúp cho doanh nghiệp xác định được khách hàng nào mua nhà, hạn chế tình trạng khách hàng ảo đăng ký mua dự án nhà ở xã hội gây khó cho chủ đầu tư.
Theo Bộ Xây dựng, trước đó, một số doanh nghiệp làm nhà ở xã hội phản ánh tình trạng có nhiều người dân nộp hồ sơ đăng ký mua nhà nhưng sau lại xin rút, uổng công doanh nghiệp xác minh thông tin, trình Sở Xây dựng phê duyệt, gây phiền nhiễu không đáng có. Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng sẽ sớm có hướng dẫn cho chủ đầu tư nhận tiền đặt cọc của khách hàng dưới hình thức thỏa thuận dân sự.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia bất động sản, cần có nghiên cứu thật kỹ trước khi đưa ra hướng dẫn cụ thể để chính sách không trở thành rào cản người dân mua nhà.
Theo chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, việc cho chủ đầu tư nhà ở xã hội được nhận đặt cọc từ người mua nhà cần phải quản lý tốt, nếu không sẽ gây nên hiệu ứng ngược.
“Trên thị trường không thiếu hiện tượng chủ đầu tư dùng tiền đặt cọc của người dân rồi không sử dụng cho mục đích hoàn thành dự án, mà dùng vào việc khác, khiến cho bất cập nảy sinh. Nếu chủ đầu tư nhà ở xã hội được phép nhận đặt cọc, và tái diễn tình trạng trên, vô hình trung sẽ làm chậm tiến trình xã hội hóa nhà ở, không quản lý được còn gây ra hệ lụy”, ông Kiêm nêu quan điểm.
Cùng quan điểm trên, GS , nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng nếu cho phép chủ đầu tư nhận đặt cọc của khách hàng thì Bộ Xây dựng nên quy định khách hàng nộp tiền cho bên thứ 3, có thể là ngân hàng để đảm bảo nguồn tiền không bị sử dụng sai mục đích. Khi ký hợp đồng mua nhà, số tiền đặt cọc sẽ được tính chuyển vào đợt đóng tiền đầu tiên.