Đầu tháng 08 vừa qua trong các cuộc họp thường kỳ, Chính phủ đã thông qua và ban hành Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 25-9-2013.
Trước sự kiện này, các nhà phân tích trong ngành thẩm định giá nhận định Nghị Định lần này tác động rất lớn đến sự tồn tại của các tổ chức thẩm định và sự phát triển hưng thịnh của ngành thẩm định giá. Do vậy, hôm nay IVC giới thiệu đến bạn đọc những vấn đề quan trọng cần lưu ý của Nghị Định 89/2013NĐ-CP.
Tiêu chuẩn của thẩm định giá viên về giá bao gồm:
Có năng lực hành vi dân sự; có phẩm chất đạo đức, liêm khiết, trung thực, khách quan; có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành vật giá, thẩm định giá và các ngành gồm: Kinh tế, kinh tế – kỹ thuật, kỹ thuật, luật liên quan đến nghiệp vụ thẩm định giá do các tổ chức đào tạo hợp pháp ở Việt Nam hoặc nước ngoài cấp; có thời gian công tác thực tế theo chuyên ngành đào tạo từ 36 tháng trở lên tính từ ngày có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành theo quy định; có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá do cơ quan, tổ chức có chức năng đào tạo chuyên ngành thẩm định giá; có thẻ Thẩm định viên về giá do Bộ Tài chính cấp.
Các trường hợp không được tham gia thẩm định giá bao gồm:
Thực hiện thẩm định giá không đảm bảo tuân thủ các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Mua, bán tài sản thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật về danh mục bí mật Nhà nước. Có thẩm định viên tham gia thẩm định giá, người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát của doanh nghiệp thẩm định giá là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc mua cổ phần, góp vốn vào tổ chức là khách hàng thẩm định giá. Có thẩm định viên tham gia thẩm định giá, người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát của doanh nghiệp thẩm định giá mà có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột là: Thành viên, cổ đông sáng lập hoặc mua cổ phần, góp vốn vào tổ chức là khách hàng thẩm định giá; người có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành, là kế toán trưởng, thành viên Ban kiểm soát, kiểm soát viên của tổ chức là khách hàng thẩm định giá. Ngoài ra, người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát, kiểm soát viên của đơn vị được thẩm định giá đồng thời là người mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp thẩm định giá. Doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá có các mối quan hệ sau: Có cùng một cá nhân hoặc doanh nghiệp, tổ chức thành lập hoặc tham gia thành lập; hoặc hoạt động trong cùng một tập đoàn, tổng công ty, tổ hợp công ty mẹ – công ty con; có mối quan hệ điều hành, kiểm soát, góp vốn dưới mọi hình thức giữa hai đơn vị; cùng trực tiếp hay gián tiếp chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn dưới mọi hình thức của một bên khác; có thỏa thuận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng. Hoặc doanh nghiệp thẩm định giá đang trong thời gian bị đình chỉ hoặc tạm ngừng hoạt động thẩm định giá.
Quy định cụ thể về: Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Trong đó: Cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, gồm: Doanh nghiệp (DN) có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Điều 39 của Luật giá về thẩm định giá được Bộ Tài chính xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. DN thẩm định giá được Bộ Tài chính xem xét cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá khi thay đổi một trong những nội dung sau: Có sự thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá bị mất, bị rách, bị cháy hoặc bị hủy hoại do thiên tai, địch họa hoặc lý do bất khả kháng khác.
Đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
Nghị định 89/2013/NĐ-CP ngày 6-8-2013 còn quy định: DN thẩm định giá bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại các trường hợp sau: Không bảo đảm một trong các điều kiện tương ứng loại hình DN quy định tại một số Khoản 1, 2, 3, 4, 5, Điều 39 của Luật giá trong 3 tháng liên tục; có sai phạm nghiêm trọng về chuyên môn hoặc vi phạm tiêu chuẩn thẩm định giá như: Không tuân thủ Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; tiết lộ thông tin về hồ sơ, khách hàng thẩm định giá và tài sản được thẩm định giá trừ trường hợp được khách hàng thẩm định giá đồng ý hoặc được pháp luật cho phép; có hành vi thông đồng với chủ tài sản, khách hàng thẩm định giá, người có liên quan khi thực hiện thẩm định giá nhằm làm sai lệch kết quả thẩm định giá; làm sai lệch hồ sơ tài sản thẩm định giá hoặc sai lệch thông tin liên quan đến tài sản thẩm định giá dẫn đến kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá cao hơn hoặc thấp hơn 10% đối với tài sản là bất động sản, thiết bị, phương tiện vận tải, 15% đối với tài sản là vật tư, hàng hóa so với kết quả thẩm định giá cuối cùng của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp DN thẩm định và cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền áp dụng cùng phương pháp thẩm định giá. Bộ Tài chính ra quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Thời gian bị đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày quyết định đình chỉ có hiệu lực. Trong thời gian bị đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, DN thẩm định giá phải chịu trách nhiệm về các hợp đồng thẩm định giá đã ký với khách hàng, hợp đồng lao động đã ký với thẩm định viên, nhân viên và các nghĩa vụ pháp lý khác theo quy định, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Bộ Tài chính ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; đăng tải công khai danh sách DN thẩm định giá bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; xóa tên khỏi danh sách công khai DN thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá trên trang Thông tin điện tử của Bộ Tài chính. DN thẩm định giá bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá phải chấm dứt việc kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực thi hành.
Trình tự, thủ tục thẩm định giá của Nhà nước
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản theo yêu cầu hoặc đề nghị bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao mua, bán, thanh lý, cho thuê, đi thuê tài sản Nhà nước trong các trường hợp quy định của Luật giá, cụ thể như sau: Mua, bán, thanh lý, cho thuê tài sản Nhà nước hoặc đi thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; Không thuê được doanh nghiệp thẩm định giá đối với tài sản Nhà nước trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao mua, bán, thanh lý, cho thuê, đi thuê tài sản Nhà nước đã đăng công khai thông tin sau 15 ngày mời cung cấp dịch vụ thẩm định giá nhưng không có doanh nghiệp thẩm định giá tham gia, trừ trường hợp đấu thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu; Mua, bán tài sản thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật về danh mục bí mật Nhà nước; Mua, bán tài sản Nhà nước có giá trị lớn mà sau khi đã thuê doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan hoặc người có thẩm quyền phê duyệt thấy cần thiết phải có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp thẩm định giá tài sản Nhà nước…
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản theo trình tự sau: Xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá; Lập kế hoạch thẩm định giá; Khảo sát thực tế, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần thẩm định giá; Phân tích thông tin; Xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá căn cứ vào quy chế tính giá tài sản hàng hóa, dịch vụ, Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành; các nguyên tắc, căn cứ, phương pháp xác định giá theo quy định của pháp luật liên quan đến tài sản cần thẩm định giá; Lập báo cáo kết quả thẩm định giá, văn bản trả lời về kết quả thẩm định giá trình thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá phê duyệt; sau đó gửi văn bản trả lời về kết quả thẩm định giá cho cơ quan yêu cầu thẩm định giá.
Hồ sơ thẩm định giá tài sản do cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá tài sản hoặc Hội đồng thẩm định giá lập gồm có: Văn bản yêu cầu thẩm định giá tài sản; Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá trong trường hợp thành lập Hội đồng thẩm định giá; Báo cáo kết quả thẩm định giá và văn bản trả lời về kết quả thẩm định giá; Biên bản thẩm định giá tài sản và Kết luận thẩm định giá tài sản trong trường hợp thành lập Hội đồng thẩm định giá; Các tài liệu khác có liên quan đến việc thẩm định giá tài sản.
Các trường hợp không được tham gia thẩm định giá: Người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đến tài sản cần thẩm định giá hoặc đã tiến hành thẩm định giá tài sản đó trước khi thành lập Hội đồng thẩm định giá. Người có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột là thẩm định viên về giá, người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát của doanh nghiệp thẩm định giá đã tiến hành thẩm định giá tài sản đó trước khi thành lập Hội đồng thẩm định giá. Người đang trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên, người đang bị quản chế hành chính; người bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Xem chi tiết về Nghị Định 101/2005/NĐ-CP: https://ivc.com.vn/trao-doi-hoc-thuat/382_nghi-dinh-so-892013nd-cp-quy.html
Xem chi tiết về Nghị Định 89/2013/NĐ-CP: https://ivc.com.vn/trao-doi-hoc-thuat/383_nghi-dinh-so-1012005nd-cp-cua.html
Duyên Anh