Nội dung, cách thức tổ chức và lộ trình triển khai hệ thống đánh giá DN thẩm định giá

Nội dung, cách thức tổ chức và lộ trình triển khai hệ thống đánh giá DN thẩm định giá

Trong phần trước IVC Việt Nam đã giới thiệu đến bạn đọc về vai trò, mục tiêu và những căn cứ pháp lý của hệ thống các tiêu chí đánh giá & xếp hạng doanh nghiệp thẩm định giá do hội thẩm định giá Việt Nam dự thảo và sớm trình bộ tài chính phê duyệt.

Phần tiếp theo, IVC Việt Nam muốn giới thiệu đến người đọc về nội dung, cách thức tổ chứclộ trình triển khai của hệ thống.



IV. Những nội dung và cách thức cơ bản để đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp Thẩm định giá

1. Xây dựng các tiêu chí đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp



1.1 Yêu cầu:

– Đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp được dựa trên các tiêu chí đánh giá

– Tiêu chí đánh giá đưa ra phải rõ ràng, công khai dễ thực hiện

– Việc xây dựng các tiêu chí về cơ bản được thực hiện như việc xây dựng tiêu chí đánh giá và xếp hạng các loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác mà nhiều tổ chức có chức năng xếp hạng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vẫn làm: Xây dựng hệ thống các tiêu chí để xem xét, đánh giá. Tuy nhiên việc đánh giá và xếp hạng các DN TĐG phải được dựa trên các tiêu chí khác biệt với các loại hình doanh nghiệp khác; nó phải thể hiện được những đặc trưng cơ bản của nghề Thẩm định giá, đồng thời hội tụ được những yếu tố cơ bản để khẳng định vị trí, thương hiệu của từng doanh nghiệp.



1.2 Nguyên tắc:

Căn cứ yêu cầu trên, thực tế cho thấy hoạt động của doanh nghiệp được vận hành bởi sự gắn kết tổng hợp của các yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài doanh nghiệp. Có những nhân tố là nguyên nhân, tiền đề tạo ra kết quả của nhân tố khác, kết quả của nhân tố này lại tác động đến sự vận động của nhân tố kia… Có nghĩa là chúng có mối liên hệ mật thiết với nhau, do vậy việc tách bạch để xây dựng thành các tiêu chí khác nhau cần theo nguyên tắc là:

– Các tiêu chí cụ thể: phần lớn nội dung của nó phải phù hợp với nội dung của nhóm tiêu chí chung.

– Các tiêu chí xây dựng: tính chất định tính và định lượng, số lượng và chất lượng hoạt động của doanh nghiệp phải gắn kết chặt chẽ với nhau. Tiêu chí phải bao hàm được cả “nội lực” tiềm ẩn của doanh nghiệp (năng lực) với kết quả thực tế của việc biến năng lực thành hiệu quả.



1.3 Nội dung các tiêu chí:

– Tiêu chí 1: Tiêu chí đánh giá sự tuân thủ pháp luật về Thẩm định giá.

– Tiêu chí 2: Tiêu chí đánh giá về năng lực Thẩm định giá.

– Tiêu chí 3: Tiêu chí đánh giá về kết quả cạnh tranh thực tế của doanh nghiệp.

– Tiêu chí 4: Tiêu chí đánh giá về năng lực quản trị doanh nghiệp

– Tiêu chí 5: Tiêu chí đánh giá về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

– Tiêu chí 6: Kết quả tham gia thực hiện nghĩa vụ xây dựng Hội

Đây là 6 nhóm tiêu chí rất cơ bản để xem xét đánh giá và xếp hạng các doanh nghiệp dựa trên cơ sở căn cứ vào các quy định của Luật Giá đồng thời có vận dụng các quy định của Nhà nước về việc xếp hạng doanh nghiệp, có tham khảo các tiêu chí, xếp hạng của một số loại hình doanh nghiệp và lựa chọn ra các tiêu chí phù hợp với loại hình doanh nghiệp Thẩm định giá nhằm đạt các mục tiêu nêu trên.



Trong 6 nhóm tiêu chí trên thì từng nhóm tiêu chí lại được thông qua các tiêu chí cụ thể bảo đảm chủ yếu đánh giá theo định lượng gắn chặt với hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp và phù hợp với tất cả các doanh nghiệp TĐG; cụ thể:



– Tiêu chí 1: Tiêu chí đánh giá sự tuân thủ pháp luật về TĐG sẽ được đánh giá thông qua các chỉ tiêu: Phải là các doanh nghiệp đủ điều kiện hành nghề TĐG; tuân thủ pháp luật về Thẩm định giá, không bị các cơ quan có thẩm quyền khởi tố về hành vi vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá…



– Tiêu chí 2: Tiêu chí đánh giá về năng lực TĐG (đây cũng chính là thực lực của doanh nghiệp tạo ra khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp) sẽ được đánh giá thông qua các chỉ tiêu:

Nguồn nhân lực cả về số lượng, chất lượng, số năm hoạt động của doanh nghiệp, tầm bao phủ của các doanh nghiệp ở các thị trường (phạm vi hoạt động), cơ sở dữ liệu thông tin thị trường, nguồn lực tài chính.



– Tiêu chí 3: Tiêu chí đánh giá về kết quả cạnh tranh thực tế của doanh nghiệp sẽ được đánh giá thông qua các chỉ tiêu cơ bản như: Giá dịch vụ, chất lượng dịch vụ và thị phần, các biện pháp cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật và tinh thần hợp tác tốt với các đơn vị bạn…



– Tiêu chí 4: Tiêu chí đánh giá về năng lực quản trị doanh nghiệp, sẽ được đánh giá thông qua các chỉ tiêu: về bộ máy, về các quy chế quản trị nội bộ, sử dụng nguồn lực, chấp hành pháp luật trong sản xuất kinh doanh trong quản trị tài chính và sử dụng lao động, hoàn thành mục tiêu kinh doanh.



– Tiêu chí 5: Tiêu chí đánh giá về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sẽ được đánh giá thông qua các chỉ tiêu: doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách… đều tính trên một lao động (không tính theo doanh nghiệp để hạn chế yếu tố tác động về quy mô doanh nghiệp).



– Tiêu chí 6: Tiêu chí đánh giá về trách nhiệm tham gia, xây dựng và phát triển Hội bằng số lượng Hội viên tham gia và tích cực thực hiện các nghĩa vụ đóng góp phát triển xây dựng Hội.

Trong các tiêu chí trên thì tiêu chí 1 được xếp là tiêu chí trong trọng nhất, tiếp đến là tiêu chí 2 đến 6. (Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị tiêu chí số 1, tiêu chí quan trọng nhất phải là: Tổ chức bộ máy và năng lực quản trị doanh nghiệp mới đáp ứng được các tiêu chí tiếp theo).



2. Để nâng cao chất lượng hoạt động và uy tín của nghề Thẩm định giá trong nền kinh tế, việc đánh giá và xếp hạng DN TĐG được thực hiện hàng năm. Thời gian đánh giá và xếp hạng là vào tháng 12 dương lịch hàng năm để công bố kết quả xếp hạng doanh nghiệp vào thời điểm tháng 1 của năm tiếp theo.

Việc đánh giá và xếp hạng được thực hiện theo các bước như sau:



Bước 1: căn cứ các tiêu chí quy định, thực hiện việc xem xét cho điểm áp dụng cho từng tiêu chí đối với doanh nghiệp. Tổng số điểm tính cho tất cả các tiêu chí là 100 điểm.



Bước 2: Căn cứ vào số điểm đã cho, thực hiện việc xếp hạng doanh nghiệp theo 4 hạng, tính từ cao xuống thấp:

+ Hạng A ( Tốt): thuộc về doanh nghiệp có tổng số điểm cao nhất.

+ Hạng A+ ( Khá): thuộc về doanh nghiệp có tổng số điểm thấp hơn hạng A.

+ Hạng A++ ( Trung bình khá): thuộc về doanh nghiệp có tổng số điểm thấp hơn hạng A+.

+ Hạng A+++ ( Trung bình): thuộc về doanh nghiệp có tổng số điểm thấp hơn hạng A++.



3. Khi xếp hạng, chỉ thực hiện xếp hạng chung cho doanh nghiệp, không xếp hạng riêng cho từng chi nhánh của doanh nghiệp.



4. Khi công bố kết quả xếp hạng chỉ công bố: hạng A, A+… mà không ghi: tốt, khá, trung bình…



V. Tổ chức công tác đánh giá và xếp hạng DN TĐG.

1) Hiện nay, việc quản lý, theo dõi, phối hợp, liên kết hoạt động TĐG có hai cơ quan gồm:

a) Bộ tài chính: cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động của các DN TĐG.

b) Hội Thẩm định giá Việt Nam: là “cầu nối” giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các Hội viên của Hội, đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các Hội viên là các DN TĐG và các cá nhân hành nghề TĐG đã được cấp Thẻ Thẩm định viên về giá hoặc chưa được cấp thẻ Thẩm định viên về giá.

Vì vậy, để bảo đảm được tính khách quan và tạo niềm tin cho khách hàng TĐG căn cứ vào quy định của pháp luật, hai cơ quan này sẽ phối hợp thực hiện việc đánh giá và xếp hạng DN TĐG theo ba giai đoạn:

– Thu thập thông tin về doanh nghiệp.

– Đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp.

– Công bố kết quả đánh giá, xếp hạng và gửi kết quả đánh giá xếp hạng đến các tổ chức có liên quan, khách hàng trong phạm vi cả nước, đăng tải kết quả đánh giá, xếp hạng trên Website của Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính và Hội Thẩm định giá Việt Nam, đăng tải kết quả đánh giá xếp hạng trên thông tin đại chúng.



2) Việc tổ chức đánh giá và xếp hạng DN TĐG do một Hội đồng thực hiện. Hội đồng này do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập.



2.1 Thành phần của Hội đồng gồm:

– Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Bộ Tài chính.

– Các phó Chủ tịch Hội đồng:

+ Cục trưởng Cục Quản lý giá.

+ Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam

– Các Ủy viên Hội đồng:

+ Đại diện lãnh đạo phòng chính sách giá và thẩm định giá – Cục Quản lý giá

+ Đại diện của lãnh đạo Văn phòng Hội và trưởng văn phòng phía nam của Hội TĐG VN.

– Thư ký Hội đồng:



2.2 Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng

a) Hội đồng có quyền:

– Yêu cầu các DN TĐG báo cáo, cung cấp tài liệu, thông tin về kết quả hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến hệ thống các tiêu chí đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp.

– Yêu cầu các tổ chức, cá nhân khác có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết phục vụ cho việc đánh giá và xếp hạng DN TĐG.

– Từ chối việc đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp trong trường hợp các DN TĐG hoặc các tổ chức, cá nhân không cung cấp đầy đủ, chính xác các tài liệu, thông tin phục vụ cho việc đánh giá và xếp hạng DN TĐG.



b) Hội đồng có nghĩa vụ:

Bảo đảm tính khách quan, độc lập trong việc đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp; chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp.



c) Hội đồng đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp được sử dụng con dấu của Hội TĐG VN.

d) Hội đồng được thành lập hàng năm và tự giải thể sau khi thực hiện xong nhiệm vụ đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp hàng năm.



2.3 Quyền và nghĩa vụ của thành viên Hội đồng.

a) Thành viên Hội đồng có quyền:

– Căn cứ các tiêu chí đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp và các tài liệu, thông tin do Hội đồng cung cấp và các tài liệu thông tin tự thu thập được để đưa ra nhận định, đánh giá độc lập của mình trong quá trình đánh giá và xếp loại doanh nghiệp.

– Biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín về kết quả đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp.



b) Thành viên Hội đồng có nghĩa vụ:

– Độc lập, trung thực, khách quan trong quá trình đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp.

– Tham dự các phiên họp và thực hiện đúng kế hoạch công tác của Hội đồng.

– Chịu trách nhiệm về ý kiến nhận định, đánh giá của mình trước Hội đồng, cơ quan quản lý và trước pháp luật.



VI. Lộ trình công bố và cơ quan có trách nhiệm công bố hệ thống các Tiêu chí đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp Thẩm định giá.

1) Phương án 1. Để tăng tính pháp lý của hệ thống các Tiêu chí, Hội phối hợp với Cục Quản lý giá trình lãnh đạo Bộ Tài chính công bố hệ thống các Tiêu chí này và đề nghị Bộ Tài chính giao cho Cục Quản lý giá, Hội TĐG VN tổ chức Hội đồng như đã nêu tại điểm IV đề án này để thực hiện việc đánh giá và xếp hạng tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động Thẩm định giá trên phạm vi toàn quốc.



2) Phương án 2. Nếu các điều kiện để lãnh đạo Bộ Tài chính công bố chưa “chín muồi”, trước mắt kiến nghị Bộ Tài chính giao cho Hội TĐG VN công bố hệ thống các Tiêu chí và cùng Cục Quản lý giá tổ chức Hội đồng đánh giá và xếp hạng cho tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động Thẩm định giá trên phạm vi toàn quốc.

Trên cơ sở 2 phương án trên, Hội Thẩm định giá Việt Nam kiến nghị do đây là lần đầu tiên thực hiện việc đánh giá xếp hạng doanh nghiệp TĐG nên trước mắt thực hiện phương án 2 trong thời gian 2 năm, sau đó tiến hành tổng kết và triển khai thực hiện theo phương án 1.

(Kèm theo Đề án này là Dự thảo: Hệ thống các Tiêu chí đánh giá và xếp hạng doanh nghiệp TĐG Việt Nam).



HỘI THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM(VVA )

Ghi chú: Đề án này sẽ được hoàn chỉnh sau Hội thảo để trình Bộ Tài chính phê duyệt.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *