Thế nào là lên sàn chứng khoán?
Căn cứ theo quy định tại Điều 42 Luật Chứng khoán 2019 quy định về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán và các công ty con là đơn vị tổ chức các hoạt động giao dịch, mua bán chứng khoán, cung cấp các thông tin về thị trường chứng khoán.
Do vậy, Sở giao dịch chứng khoán và các công ty con hay được biết đến với tên gọi là “sàn giao dịch chứng khoán”. Như vậy sàn chứng khoán ở đây chính là sở giao dịch chứng khoán.
Hiện nay có hai sàn chứng khoán lớn là:
– Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX);
– Sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE).
Tại khoản 1 Điều 42 Luật Chứng khoán 2019 thì sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con được tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán cho chứng khoán đủ điều kiện niêm yết; chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chuyển đổi thành công ty cổ phần; chứng khoán của các doanh nghiệp khác chưa đủ điều kiện niêm yết; chứng khoán của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác theo quy định của Chính phủ.
Có thể hiểu đơn giản rằng công ty muốn chào bán chứng khoán ra công chúng thì phải được niêm yết trên các sàn giao dịch.
Để được niêm yết trên các sàn giao dịch này thì công ty phải đáp ứng những điều kiện chào bán chứng khoán lần đầu ra công chứng theo quy định của Luật chứng khoán.
Như vậy, lên sàn chứng khoán là hình thức mà một công ty lần đầu phát hành chứng khoán ra công chúng sau khi được các sở giao dịch chứng khoán (sàn chứng khoán) cho phép và tổ chức giao dịch.
Điều kiện để lên sàn chứng khoán là gì?
Theo đó, cần phải đáp ứng những điều kiện để chào bán cổ phiếu lần đầu:
– Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
– Hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;
– Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua;
– Tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành;
– Cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;
– Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;
– Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;
– Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán;
– Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.
Đây là điều kiện chung để có một công ty có thể chào bán cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Tùy vào từng sàn chứng khoán sẽ có thêm những điều kiện riêng.
Mục đích xác định giá trị doanh nghiệp.
Thẩm định giá được xuất phát từ nhu cầu khách quan về việc xác định giá trị của tài sản, giúp các bên tham gia giao dịch có thể thỏa thuận với nhau về giá tài sản, giúp các giao dịch về tài sản thành công, bảo đảm lợi ích chính đáng của các bên. Vì vậy, thẩm định giá có vai trò đặc biệt quan trọng không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường phục vụ nhiều mục đích cho các bên liên quan như: cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
– Phát hành cổ phiếu; Bán cổ phiếu ra công chúng;
– Chứng minh năng lực tài chính;
– Cải tổ doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh
– Phục vụ để cổ phần hóa, liên doanh, góp vốn;
– Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A), hợp nhất hoặc chia nhỏ doanh nghiệp, thu hút vốn đầu tư
– Tham khảo giá trị thị trường;
– Các mục đích khác đúng theo pháp luật quy định.
Phương pháp thẩm định giá Doanh nghiệp
Theo tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam số 12 (TĐGVN 12) có hướng dẫn về cách tiếp cận và phương pháp định giá doanh nghiệp. Trong đó cách tiếp cận trong thẩm định giá doanh nghiệp bao gồm: cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập. Các đơn vị thẩm định giá, thẩm định viên có có thể sử dụng tất cả các cách tiếp cận để thẩm định giá doanh nghiệp. Mỗi các tiếp cận lại bao gồm các phương pháp thẩm định giá khác nhau, tổng hợp lại bao gồm các phương pháp chính sau đây:
- Phương pháp tỷ số bình quân
- Phương pháp giá giao dịch.
- Phương pháp tài sản
- Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp
- Phương pháp chiết khấu dòng cổ tức
- Phương pháp chiết khấu dòng tiền thuần vốn chủ sở hữu