Thẩm định giá – Những bất cập cần khắc phục

Thẩm định giá – Những bất cập cần khắc phục

Hiện tại ở Việt Nam có khoảng 44 doanh nghiệp và 10 chi nhánh doanh nghiệp Thẩm định giá được Bộ Tài chính thông báo có đủ điều kiện hoạt động Thẩm định giá, có 1.000 người làm việc trong lĩnh vực Thẩm định giá và có 216 người được Bộ Tài chính cấp Thẻ thẩm định viên về giá.Nhưng thẩm định giá vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục.

tham dinh gia va nhieu bat cap can khac phuc
Thẩm định giá và nhiều bất cập cần khắc phục



Thẩm định giá xuất hiện ở Việt Nam từ sau khi nền kinh tế chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, bắt đầu hình thành rõ nét từ những năm 1993-1994 và dần phát triển trong những năm gần đây.

Từ chỗ cả nước chỉ có hai Trung tâm thẩm định giá được thành lập thực hiện chức năng thẩm định giá đáp ứng yêu cầu của xã hội, đó là: Trung tâm Thẩm định giá và Trung tâm Thông tin và Thẩm định giá miền Nam, đến nay đã có khoảng 44 doanh nghiệp và 10 chi nhánh doanh nghiệp Thẩm định giá được Bộ Tài chính thông báo có đủ điều kiện hoạt động Thẩm định giá, có 1.000 người làm việc trong lĩnh vực Thẩm định giá và có 216 người được Bộ Tài chính cấp Thẻ thẩm định viên về giá.

Trải qua hơn 10 năm hoạt động, có thể đánh giá một cách khái quát là: Thẩm định giá đã góp phần quan trọng vào việc xác định giá trị đất đai, tài nguyên, tài sản làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt giá mua tài sản, các tổ chức cá nhân ra các quyết định liên quan đến việc quản lý, sở hữu, mua bán, tính thuế, bảo hiểm, cầm cố và kinh doanh tài sản, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, …góp phần tiết kiệm chi tiêu trong đầu tư, mua sắm tài sản, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo báo cáo của các doanh nghiệp thẩm định giá: Việc thẩm định giá tài sản, hàng hóa mua sắm từ nguồn vốn ngân sách đã góp phần giúp tiết kiệm chi cho ngân sách Nhà nước khoảng 10% – 15% tổng giá trị thẩm định. Không những thế, thẩm định giá còn góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ tài sản, của các nhà đầu tư và của các bên liên quan tham gia giao dịch. Bảo đảm để thị trường hoạt động công khai hơn, minh bạch hơn, khắc phục những hoạt động của thị trường ngầm.

Tuy đạt được những thành công tích cực như vậy, nhưng hoạt động thẩm định giá cũng bộc lộ những hạn chế, những vướng mắc cần nhanh chóng được tháo gỡ, đó là:

– Thứ nhất: môi trường pháp lý về thẩm định giá, cụ thể là Pháp lệnh giá, Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03/08/2005 của Chính phủ về thẩm định giá và một số Qui phạm pháp luật có liên quan chưa có tính thống nhất cao, vẫn có những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, thậm chí xung đột nhau – đặc biệt là những qui định về thẩm định giá của Pháp lệnh giá và Định giá bất động sản của Luật kinh doanh bất động sản.

– Thứ hai: đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong việc cung cấp dịch vụ thẩm định giá giữa các doanh nghiệp thẩm định giá bằng cách hạ giá dịch vụ xuống mức quá thấp, hoặc “chạy đua” về thời gian không phù hợp để thu hút khách hàng không giảm giá dịch vụ thẩm định giá với chất lượng dịch vụ thẩm định giá. Đồng thời cũng đã có Thẩm định viên về giá có hành vi thông đồng với khách hàng để xác định giá trị tài sản sai lệch với giá trị thị trường của nó, làm thiệt hại đến lợi ích của các bên liên quan tham gia thị trường.

– Thứ ba: tính pháp lý trong việc công bố kết quả thẩm định giá và sử dụng kết quả thẩm định giá chưa được đặt đúng vị trí của loại hình dịch vụ tư vấn do đó cũng gây khó khăn cho công tác giải quyết tranh chấp khi có những tranh chấp về kết quả thẩm định giá giữa doanh nghiệp thẩm định giá, khách hàng có tài sản cần thẩm định giá và các bên có liên quan.

– Thứ tư: việc cấp phép thành lập doanh nghiệp thẩm định giá, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá của cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan có thẩm quyền cấp phép và cơ quan quản lý điều kiện hành nghề thẩm định giá của doanh nghiệp. Việc quản lý điều kiện hành nghề thẩm định giá của doanh nghiệp, của Thẩm định viên về giá vẫn còn có những bất cập nhất định nên hiện tượng “cho thuê” thẻ Thẩm định viên về giá để doanh nghiệp có đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá đã xảy ra.

– Thứ năm: các chế tài để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá khi xảy ra những vi phạm chưa được thiết kế chặt chẽ do đó còn rất lúng túng trong thực tế xử lý các trường hợp như không thực hiện đúng nguyên tắc thẩm định giá, không tuân thủ các qui định về hành nghề, vi phạm đạo đức nghề nghiệp,…

– ………

Từ thực tiễn như trên, đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục, mà giải pháp toàn diện nhất trước mắt tựu trung lại là phải hoàn thiện môi trường pháp lý về thẩm định giá, trực tiếp là sửa đổi bổ sung Nghị định số 101/2005/NĐ-CP về thẩm định giá và về lâu dài là phải xây dựng Luật quản lý giá thay cho Pháp lệnh giá hiện nay. Nếu không làm như vậy thì sẽ:



– Không khắc phục được những tồn tại, bất cập nêu trên và như vậy sẽ không chỉ khó khăn cho việc tồn tại, phát triển của nghề thẩm định giá mà còn gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về thẩm định giá.




– Không tạo được sự đồng bộ về mặt pháp lý, về tổ chức chỉ đạo thực hiện trong công tác định giá, thẩm định giá của các qui phạm pháp luật hiện hành sẽ dễ dẫn đến tùy tiện, chủ quan trong hoạt động nghiệp vụ, rủi ro trong ngành nghề làm thiệt hại đến lợi ích của các đối tượng tham gia trên thị trường thẩm định giá.

– Không đạt được mục tiêu góp phần xây dựng một thị trường tài sản hoàn chỉnh, minh bạch, xác định đúng giá trị thị trường của tài sản phục vụ nhu cầu của xã hội.

– Không tạo được những điều kiện thuận lợi nhất để đẩy nhanh hơn quá trình hội nhập quốc tế về thẩm định giá giữa nước ta với các nước trên thế giới.

Những định hướng lớn mà chúng ta cần sửa đổi là:

– Về đối tượng điều chỉnh phải qui định áp dụng cho tất cà các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thẩm định giá mang tính chất tư vấn và sử dụng dịch vụ tư vấn thẩm định giá; đó là các doanh nghiệp định giá, thẩm định viên về giá; các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả thẩm định giá; cơ quan quản lý nhà nước về thẩm định giá.

– Về các tiêu chuẩn thẩm định giá cần qui định rõ khi hành nghề thẩm định giá phải áp dụng các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành và những Tiêu chuẩn, Hướng dẫn thẩm định giá của Ủy ban tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế (IVSC) nếu được Bộ Tài chính công nhận.

– Qui định rõ các loại tài sản cần phải thẩm định giá, việc sử dụng kết quả thẩm định giá và một số vấn đề mới mà trước đây chưa có qui định như: Quyền và trách nhiệm của khách hàng có tài sản thẩm định giá; quyền và trách nhiệm của người liên quan sử dụng kết quả thẩm định giá không phải là khách hàng thẩm định giá; điều kiện thành lập doanh nghiệp thẩm định giá và các chi nhánh của doanh nghiệp thẩm định giá; các loại dịch vụ thẩm định giá,…

– Qui định cụ thể các nguyên tắc, căn cứ xác định giá dịch vụ thẩm định giá để các doanh nghiệp thỏa thuận giá dịch vụ với khách hàng, ngăn ngừa tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá giữa các doanh nghiệp thẩm định giá.

– Qui định chi tiết hơn quyền và nghĩa vụ của doanh nghiêp thẩm định giá, của Thẩm định viên về giá. Những nội dung cấm đối với doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá. Đặc biệt là qui định chặt chẽ hơn về giá trị pháp lý của chứng thư thẩm định giá.

– Qui định về việc xử lý tranh chấp kết quả về thẩm định giá; khen thưởng, xử lý vi phạm và khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực thẩm định giá …

– ………

Đó là những định hướng lớn mà chúng ta phải hoàn chỉnh, các doanh nghiệp thẩm định giá là những “đội quân xung kích” trong lĩnh vực này, phải có trách nhiệm góp sức với cơ quan quản lý nhà nước để hoàn thiện, tạo ra môi trường pháp lý hoàn chỉnh hơn, có hiệu quả hơn cho một nghề nghiệp mới, một nghề nghiệp không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *