Dần, thẩm định càng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế. Nhưng ở Việt Nam, hiện tại đang rất thiếu nguồn nhân lực cho thẩm định, nhất là nguồn thẩm định viên chuyên nghiệp. Cả nước hiện có hai trung tâm thẩm định giá ở Hà Nội và TP HCM. Tại sở tài chính các tỉnh, thành và một số ngân hàng thương mại cũng bắt đầu có bộ phận làm nhiệm vụ này.
Việc những thẩm định viên làm việc không hiệu quả, thiếu chuyên nghiệp sẽ có thể dẫn đến những thẩm định sai, gây thất thoát lớn cho nhà nước.
Những vấn đề về trình độ của đội ngũ thẩm định viên Việt Nam đã được quan tâm thảo luận tại Hội nghị Hiệp hội Thẩm định giá ASEAN lần thứ 12 (diễn ra ở TP HCM trong hai ngày 24 và 25/9). Theo ông Nguyễn Khánh Long, Ban Vật giá Chính phủ, đại bộ phận cán bộ chủ chốt của các trung tâm thẩm định đều xuất phát từ nghề vật giá và cũng chỉ mới được tập huấn trong thời gian 5-10 ngày hoặc cùng lắm là một tháng ở nước ngoài.
Trong khi đó, ở nhiều nước trong khu vực, nghề này được đào tạo rất chu đáo. Ông Ganis Ramadhani, Hiệp hội Thẩm định Indonesia, cho biết: “Cả nước Indonesia hiện có 15.000 thẩm định viên chuyên nghiệp. Để được cấp bằng chứng nhận, học viên phải được đào tạo 3 năm tại Học viện Công nghiệp quốc gia”. Việc đào tạo ở Malaysia còn khắt khe hơn. Ông Goh Tian Sui, Giám đốc Trung tâm Thẩm định Williams & Wong, cho biết Malaysia có hẳn Học viện Thẩm định chuyên ngành. Sau 3 năm học tập trung, học viên còn phải tập sự thêm 2-3 năm nữa mới được cấp bằng thẩm định viên. Hiện tại, nước này có tới 120 trung tâm thẩm định, với hàng ngàn chuyên gia.
Do thiếu đội ngũ chuyên nghiệp nên ở Việt Nam, mỗi tỉnh, thành thường có thêm hội đồng định giá để bán các tài sản Nhà nước. Nhưng những thành viên hội đồng này chủ yếu chỉ làm kiêm nhiệm nên thiếu chuyên môn, nhiều trường hợp định giá sai, gây thất thoát lớn tài sản công. Điển hình là vụ Hội đồng Định giá TP HCM đã định giá sai mặt bằng, nhà xưởng 250 Nguyễn Trọng Tuyển gây thiệt hại cho Nhà nước trên 10 tỷ đồng.